Trình UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Động lực trao truyền di sản qua các thế hệ
VHO- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ, đệ trình UNESCO.
Ở cấp độ địa phương, việc ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ giúp các thành viên cộng đồng nhận thức không chỉ về tầm quan trọng của lễ hội mà cả việc thực hành tín ngưỡng hằng ngày cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác của các tộc người Việt, Chăm, Khmer, Hoa, như ẩm thực, dệt, đan lát, nghệ thuật trình diễn. Cộng đồng sẽ có thêm trách nhiệm cũng như động lực trao truyền di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng tái tạo trong đời sống xã hội đương đại. Sự ghi danh cũng góp phần khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, góp phần bảo vệ sức sống, giá trị sáng tạo của các di sản văn hóa phi vật thể nói chung của các dân tộc khu vực châu thổ sông Cửu Long.
Ở cấp độ quốc gia, ghi danh lễ hội giúp thế hệ trẻ củng cố niềm tin vào một xã hội tốt đẹp với truyền thống uống nước nhớ nguồn, trong đó, vai trò của người phụ nữ, người Mẹ khoan dung, sáng tạo được khẳng định và nâng cao niềm tự hào về bản sắc tộc người, về sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường, củng cố sự đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Ở cấp độ quốc tế, ghi danh một lễ hội có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc khẳng định giá trị kết nối con người với con người, dân tộc với dân tộc. Việc ghi danh cũng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa của cộng đồng quốc tế và đóng góp cho các mục đích của Công ước. Đồng thời, việc ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thực hành văn hóa cộng đồng mà hạt nhân tâm linh là biểu tượng của tình yêu bao la, sự che chở của người Mẹ xứ sở đối với cộng đồng các dân tộc, có ý nghĩa thiết thực trong sự kết nối giữa những cá nhân, nhóm người, cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.
Sự ghi danh cũng cho thấy những sáng tạo thực hành văn hóa tâm linh của các dân tộc được đề cao, được tôn trọng, góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc, nâng cao sự tôn trọng đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.
Cho đến thời điểm này, sau Đờn ca tài tử, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nếu được ghi danh sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thứ hai ở vùng đất phương Nam. Đây chính là thời cơ, thế mạnh và cũng là những thách thức. Cộng đồng hiện đảm đương vai trò tự quản di tích và lễ hội với sự hỗ trợ của chính quyền, phát huy hiệu quả giá trị di tích và lễ hội để phát triển cuộc sống tinh thần và vật chất của cộng đồng...
Cùng với những giá trị đặc sắc, những biện pháp bảo vệ và phát huy di sản là tiêu chí đặc biệt quan trọng đối với những di sản được ghi danh. Đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, các biện pháp bảo vệ được đề xuất gồm: Thực hành và truyền dạy; Quảng bá, phổ biến; Vận động nguồn lực; Năng lực quản lý; Kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa, số hóa; Phục hồi.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hiện diện, nổi tiếng bởi tính cộng đồng xuyên suốt, được duy trì bền bỉ, được thực hành nhuần nhuyễn, sáng tạo và thích ứng với cuộc sống đương đại. Di sản này xứng đáng được ghi danh, tỏa sáng trong bức tranh chung Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là tập hợp các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất – Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa sinh sống ở Châu Đốc, An Giang.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hằng năm diễn ra từ ngày 22-27.4 âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang; mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ Nữ thần của các dân tộc khác trong vùng nên có thể thấy hội tụ ở Bà Chúa Xứ núi Sam bóng dáng hình tượng Thánh Mẫu của người Việt, Nữ thần Ponargar của người Chăm, Nữ thần Neang Khmau (Bà Đen) của người Khmer và Bà Thiên Hậu của người Hoa. Vì thế, lễ hội có sự tham gia bình đẳng, hài hòa của 4 dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa trong các thực hành nghi lễ và diễn xướng nghệ thuật. Với nhiều giá trị đặc sắc, lễ hội được cộng đồng 4 dân tộc tổ chức để tạ ơn Mẹ xứ sở ban cho may mắn, sức khỏe, mưa thuận gió hòa, điều tiết mùa màng trong năm cho vạn vật sinh sôi nảy nở, thuận theo tự nhiên, hướng tới sự an lành, phát triển bền vững. Thực hành Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phù hợp với các văn kiện quốc tế về quyền con người, đảm bảo yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, nhóm người và cá nhân, tạo nên sự hài hòa, khoan dung làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam ở trong, ngoài nước và các dân tộc khác trên thế giới. |
HÀ PHƯƠNG